Làm sao để điều tiết hài hòa Internet?



 Tại sao phải điều tiết Internet? Muốn điều tiết Internet thì phải làm thế nào? Những vấn đề phức tạp nhất trong việc quản lý và điều tiết Internet là gì?

ICTnews xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Igor Ashmanov , là chuyên nổi tiếng trong giới CNTT của Nga, hiện là tổng giám đốc công ty “Ashmanov và các cộng sự”.  Ông Igor Ashmanov đã tham gia phát triển nhiều sản phẩm CNTT hiện được ứng dụng phổ biến ở Nga như phần mềm soát lỗi chính tả ORFO, từ điển thư điện tử MultiLeks, máy tìm kiếm Rambler, máy tìm kiếm tin tức Novoteka và bộ lọc thư rác Spam-test (hiện được bán thương mại với thương hiệu Kaspersky Antispam).
Bài viết này trình bày quan điểm về điều tiết Internet với những ví dụ thực tiễn và kinh nghiệm rút ra từ nước Nga, EU,  Mỹ, Trung quốc… và nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã hiểu rằng Internet bằng cách nào đó phải được điều tiết. Một mặt, Internet cũng là một phần của xã hội, và vì vậy bên trong nó, các quy tắc ứng xử bình thường của cuộc sống vẫn có hiệu lực và phải được tuân thủ. Trong xã hội bình thường, chúng ta không được phép xuyên tạc, đe dọa, kích động xung đột sắc tộc và tôn giáo, sao chép trái phép tài sản trí tuệ, vi phạm quyền của người khác. Trong Internet chúng ta cũng không được phép làm những điều như vậy.
Mặt khác, giống như các cấu thành khác của cuộc sống, Internet có những đặc thù riêng của mình và chúng cần được xem xét khi xây dựng khung pháp lý hoặc áp dụng các quy trình điều tiết và phương tiện kỹ thuật.
Sau đây là những sự khác biệt cơ bản dễ nhận thấy của Internet so với các môi trường xã hội khác:
Nội dung cá nhân.  Một số lượng rất lớn các nội dung trên Internet được hình thành bởi những cá nhân cụ thể. Đó là nhật ký (blog), phương tiện truyền thông tư nhân, các trang web cá nhân trong các mạng xã hội v.v... Không có môi trường nào mà công dân bình thường lại tham gia nhiều vào quá trình sản xuất nội dung đến như vậy.
Sự công khai nội dung từ đầu. Bất kỳ ý kiến, tác phẩm, văn bản, hình ảnh, video nào trên Internet đều có thể được truy cập dễ dàng và không hạn chế về đối tượng. Để trở thành một tác giả nổi tiếng, chúng ta không cần bất cứ điều gì ngoại trừ kỹ năng viết, chụp hình, quay phim hoặc vẽ. Trong khi website lại không phải là phương tiện truyền thông đại chúng.
Dễ dàng sao chép. Để sao chép nội dung của chính mình hay một ai đó, người ta chỉ cần đơn giản thao tác nhấn một vài nút chuột hoặc bàn phím. Kết quả là những nội dung phổ biến có thể truyền lan như bệnh dịch, và tất nhiên là  thường với sự vi phạm quyền tác giả của những người tạo ra nội dung đầu tiên.
Sự phổ cập nặc danh.  Người sử dụng Internet trong nhiều trường hợp là nặc danh và họ có nhiều cách để giấu danh tính thật của mình khi sử dụng thư điện tử, diễn đàn, blog và các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh những mặt tiêu cực rõ ràng của vấn đề nặc danh, nó cũng có những mặt tích cực nhất định. Trong mọi trường hợp, giao tiếp nặc danh từng phần hoặc toàn bộ, phần lớn là do chính cơ chế của môi trường Internet.
Không có ranh giới địa lý.  Thông tin và người sử dụng Internet tự do di chuyển vượt qua các ranh giới địa lý; sự điều tiết nghiêm ngặt ở một nơi đơn giản sẽ dẫn tới sự “tháo chạy” của các đối tượng được điều tiết tới các khu vực khác. Có thể nói rằng bên trong Internet có tính siêu dẫn về nội dung.
Dung lượng thông tin khổng lồ. Hiện nay, theo các ước tính khác nhau dung lượng Internet toàn cầu là từ 50 đến 100 tỷ trang, tức là tương đương khoảng 500 triệu cuốn sách dày. Dung lượng này không thể được đọc hết một cách thủ công và rất khó kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật. Mỗi năm, dung lượng Internet toàn cầu tăng lên từ 1,5 đến 2 lần. Trên các hệ thống blog hoặc chia sẻ video lớn, tần số xuất hiện các bài viết hoặc video mới có thể lên tới hàng ngàn bản/giây. Dung lượng Internet của mỗi quốc gia tuy là nhỏ hơn so với dung lượng Internet toàn cầu (đối với Việt Nam là khoảng 0,3-0,5% của thế giới), nhưng những vấn đề liên quan đến việc quản lý và kiểm soát nó thì không thay đổi. Dung lượng của mạng Internet quốc gia là quá lớn để có thể kiểm soát một cách thủ công và cũng rất khó để tự động hoá.
Nói chung, Internet có thể được hình dung như một bảng thông báo khổng lồ, một tờ báo tường quốc gia, nơi mà bất cứ công dân hay công ty nào đều có thể tự do viết bài. Số lượng người viết đã lên tới hàng trăm triệu và con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Chúng tôi tin rằng khi làm việc với tờ báo tường khổng lồ này thì những cách tiếp cận cực tả hay cực hữu đều không phù hợp: không thể để nó hoàn toàn không được điều tiết (trong trường hợp này sẽ có vấn đề “nội dung xấu"), nhưng cũng không thể hạn chế toàn bộ. Trong trường hợp thứ hai, sự kiểm soát sẽ gây ra sự bất mãn của hàng chục triệu công dân, tạo ra hình ảnh của một nhà nước cảnh sát, trong khi các vấn đề vẫn sẽ không biến mất, mà đơn giản trở nên sâu sắc hơn và chuyển ra vùng lãnh thổ nước ngoài.
Điều tiết một cách vụng về, thô thiển sẽ nảy sinh những vấn đề chính trị, kéo theo việc nội dung và người sử dụng sẽ được chuyển ra nước ngoài, đồng thời tạo ra nhiều lỗ hổng mà những chính trị gia nhạy bén, năng động hoặc các doanh nhân có thể lợi dụng trong hoạt động của mình.
Như vậy, việc điều tiết Internet là điều có thể và nên làm, nhưng cần thận trọng và xem xét đến đặc thù của môi trường, đến quan điểm của hàng triệu người dùng và cần tham khảo kiến thức của cộng đồng chuyên gia Internet.
Dưới đây là một danh sách ngắn về một số vấn đề của mạng Internet toàn cầu mà chúng ta phải suy nghĩ, thảo luận để có thể xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn ứng xử. Ở đây không phải là tất cả những vấn đề có thể có của Internet, mà chỉ là những vấn đề dễ nhận thấy nhất, đòi hỏi sự ưu tiên giải quyết nhất đứng trên quan điểm pháp luật.
Trách nhiệm về “nội dung xấu”
Vấn đề chính mà chúng tôi đang thảo luận trong bài viết này, đó là bên trong Internet có nhiều nội dung xấu. Đó là những nội dung cực đoan, khiêu dâm, tài liệu giả mạo v.v… Mỗi quốc gia có một cách đánh giá của riêng mình về nội dung xấu căn cứ theo các quy định của pháp luật, tôn giáo, truyền thống và các giá trị xã hội. Nội dung xấu xuất hiện trong mạng một cách tự nhiên, từ hàng triệu nguồn khác nhau và tồn tại theo những quy luật riêng của nó.
Trong mạng Internet (giống như các phương tiện truyền thông đại chúng) có rất nhiều nội dung vi phạm quy định của pháp luật hoặc đạo đức xã hội. Chúng tôi tạm gọi nội dung xấu là những nội dung có chứa các thông tin bôi nhọ, kích động thù hận, kích động lật đổ chế độ, khiêu dâm trẻ em và những nội dung tương tự. Nội dung bản quyền được gọi là những nội dung có quyền sở hữu rõ ràng, còn nội dung lậu là những nội dung vi phạm bản quyền của một ai đó. Các vấn đề liên quan đến nội dung bản quyền chúng tôi sẽ thảo luận dưới đây, trong phần tiếp theo.
Chúng ta cần xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm về nội dung xấu, về những website hoặc các dịch vụ trực tuyến bất hợp pháp hay không đứng đắn.
Các nhà khai thác Internet
Trong Internet có một số lớp đối tượng hoạt động. Các đối tượng này có mối quan hệ khác khác nhau đối với quá trình tạo, lưu trữ và hiển thị nội dung:
Nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet (ISP), cung cấp các kênh truyền thông cho người dùng cá nhân và các tổ chức,
Nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ (hosting) cho các website, chúng ta sẽ gọi là các web-hoster,
Nhà cung cấp dịch vụ, cho phép người dùng tạo blog, các trang cá nhân, diễn đàn v.v…, chúng ta sẽ gọi là các content-hoster 
Các bộ máy tìm kiếm và các chỉ mục cho phép người dùng tìm nội dung thông tin trên mạng. 
Các phương tiện truyền thông đại chúng Internet và các dịch vụ tạo và xuất bản nội dung khác.
Tất cả các đối tượng nêu trên có mối quan hệ và kiểm soát nội dung theo những cách khác nhau, vì vậy phải có trách nhiệm khác nhau trong quá trình tạo và hiển thị nội dung. Khi đó các quy định pháp luật về trách nhiệm của họ cũng phải khác nhau.
Các ISP và nội dung xấu
Chúng ta hãy bắt đầu với các ISP. ISP đảm bảo cho người sử dụng truy cập vào tài nguyên mạng, trong đó có cả những nội dung xấu. Nếu vậy ISP có phải chịu trách nhiệm pháp luật về điều đó hay không? Có lẽ là không, bởi vì nếu có thì ngay cả các công ty điện thoại cũng có thể bị truy tố vì nội dung của các cuộc gọi xấu trên đường dây của họ.
Các ISP cung cấp đường truyền và băng thông, nhưng không chịu trách nhiệm về nội dung.
Măc dù vậy, ở một số nước, các ISP đang bị buộc phải lắp đặt các bộ lọc mạng (tường lửa) cho phép ngăn chặn truy cập vào "website xấu".
Ở Nga, theo quy định của pháp luật, các ISP bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị phần cứng cho phép giám sát được nội dung tin truyền, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến trách nhiệm của ISP đối với nội dung, và cũng không tham gia vào quy trình tố tụng liên quan đến nội dung xấu.
Theo tôi, dù ít dù nhiều thì rõ ràng rằng các ISP cần được miễn trừ trách nhiệm đối với những nội dung xấu truyền qua các các kênh truyền thông của họ.
Các web-hoster 
Web-hoster là những người bán dung lượng lưu trữ cho các website. Hoster cho phép khách hàng (là chủ sở hữu trang web) cài đặt và lưu trữ thông tin trên các ổ cứng trong máy chủ của mình, hoặc cho thuê toàn bộ máy chủ, hoặc cho phép đặt máy chủ của khách hàng ở trung tâm dữ liệu của họ. Về bản chất, hoster bán chỗ lưu trữ thông tin.
Theo lý lẽ thông thường, một nhà cung cấp dịch vụ hosting không phải chịu trách nhiệm về những nội dung website được đặt trên máy chủ của mình. Một nhà cung cấp hosting, thường ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ: thứ nhất là  khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung của mình, và thứ hai là khách hàng cam kết sẽ không lưu trữ những nội dung bất hợp pháp, không gửi thư rác, v.v….
Thêm vào đó, nếu các hoster mong muốn giám sát nội dung các trang web lưu trữ trên hệ thống của mình, thì họ sẽ phải có riêng một bộ phận pháp chế rất tốn kém và một bộ phận chuyên môn giúp phát hiện các khách hàng xấu và phân tích nội dung thuộc về ai.
Vậy trên thế giới họ giải quyết vấn đề giữa các hoster và nội dung xấu như thế nào?
Ở một số nước (Mỹ, châu Âu) các hoster được miễn trách nhiệm truy tố vì nội dung xấu. Ở một số nước khác (ví dụ như Trung Quốc) các nhà cung cấp dịch vụ hosting chịu trách nhiệm về nội dung cùng với các chủ sở hữu trang web và phải tự giám sát các nội dung được đăng tải trên hệ thống của mình. 
Tuy nhiên ở Trung Quốc, chính phủ giúp giảm nhẹ gánh nặng giám sát nội dung của các hoster bằng cách cung cấp (và thường xuyên cập nhật) danh sách các “từ xấu” không được phép đăng tải cho các phương tiện truyền thông đại chúng và cả các trang web. Danh sách này có thể được tải về từ website của chính phủ và người ta có thể sử dụng một phần mềm đơn giản để kiểm tra sự có mặt hay không của các “từ xấu” trên các trang web.
Các content-hoster
Content hoster cung cấp cho người dùng những công cụ thuận tiện cho việc đăng tải các nội dung của họ: blog, video, file nhạc. Ví dụ, Youtube.com - là nơi lưu trữ các đoạn video;  Livejournal.com - lưu trữ các blog).
Trái ngược với các trang web-hoster, các content-hoster, theo quan điểm của chúng tôi, phải có trách nhiệm đối với những nội dung được đăng tải trên hệ thống của họ.
Vì sao? Bởi vì nếu chúng ta thử nhìn kỹ vào bất kỳ một dịch vụ lưu trữ video nào đó, chúng ta có thể thấy rằng nó thực sự không phải đơn giản là nơi bán chỗ lưu trữ một cách trung lập, như các nhà cung cấp dịch vụ web-hosting, mà đó là một ngành công nghiệp kinh doanh truyền thông thực sự.
Trên thực tế, các chủ sở hữu các video-hoster rất kỹ lưỡng trong việc phát triển giao diện người dùng, lập trình hệ thống của mình để hiển thị các đoạn hình ảnh, bổ sung các chức năng tìm kiếm theo từ khóa, xếp hạng video theo nhiều tiêu chí khác nhau, đưa ra những tư vấn và liên kết đến các video liên quan, kích thích người dùng xem càng nhiều càng tốt. Họ đặt đặt logo của mình ở khắp mọi nơi, và tất nhiên hiển thị quảng cáo trong các dịch vụ và trong các đoạn video đó.
Về bản chất, các video-hoster giống như là các nhà xuất bản nội dung lấy từ người sử dụng. Nó cũng giống như những tờ báo rao vặt. Có nghĩa là video-hoster không phải là nơi bán chỗ lưu trữ, mà là cung cấp dịch vụ xuất bản.
Trong tình huống này, rõ ràng chủ sở hữu các website chia sẻ video, với tư cách là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về nội dung những ấn phẩm của mình. Điều này áp dụng cho cả nội dung xấu (khiêu dâm trẻ em, chủ nghĩa cực đoan, bạo lực v.v…) lẫn nội dung lậu (vi phạm bản quyền).
Những trường hợp trung gian - chẳng hạn như công cụ tìm kiếm cho phép tìm kiếm nội dung xấu của người khác và lưu trữ các nội dung đó trong cache của mình – là chủ đề cho một bài viết khác.
Mặc dù vậy, cũng cần phải hiểu rằng bất cứ một content-hoster nào đều phải cân bằng trên biên giới phạm luật, bởi nếu không sẽ không có hiệu quả kinh doanh nào cả. Nội dung xấu luôn tồn tại. Người sử dụng luôn luôn cố gắng sao chép và tải lên nội dung lậu hoặc nội dung xấu mà không quan tâm đến pháp luật. Vậy liệu các content-hoster có thể ngăn chặn việc lưu trữ các nội dung không mong muốn trên hệ thống của mình hay không?
Kiểm duyệt trước và sau 
Có thể kiểm duyêt trước nội dung được không? Rõ ràng, điều này là vô cùng khó khăn.
Tại các video-hoster lớn trên thế giới, tốc độ cập nhật lên tới hàng trăm đoạn phim mới trong một giây. Để quản trị chúng (tức là, xem thủ công bằng “mắt” của các nhân viên quản trị) doanh nghiệp cần tới hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn nhân viên. Điều này là rất tốn kém và thậm chí có thể giết chết doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này (trong khi dịch vụ video-hosting thường rất ít lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ).
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đó. Với bất kỳ số lượng nhân viên nào thì vấn đề vẫn nằm ở chỗ kỹ năng chuyên môn của họ. Đó là vì chúng ta sẽ không thể đào tạo được đội ngũ nhân viên có khả năng nhận biết về những tác phẩm được đánh cắp từng phần hoặc được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Đây lại là một chủ đề cho một nghiên cứu pháp lý riêng biệt.
Kiểm tra "bằng mắt" nội dung khiêu dâm trẻ em còn có thể được, nhưng phát hiện nội dung lậu - là điều vô cùng khó khăn. Làm thế nào để làm cho nhân viên bộ phận kiểm duyệt biết tất cả các chủ sở hữu nội dung và xác định được nội dung nào là của họ ngay lập tức?
Một vấn đề nữa là các tác phẩm tổng hợp, cụ thể là: ví dụ, một ai đó tải lên video của mình và bạn gái, nhưng lại sử dụng nhạc nền có bản quyền. Về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc có thể kiện. Rõ ràng, bất kỳ văn phòng dịch vụ kiểm duyệt trước nào (kể cả các luật sư), trong trường hợp đều có thể vô tình để lọt một nội dung lậu tiềm năng.
Công nghệ kiểm duyệt: Lọc nội dung 
Có nhiều kỹ thuật để nhận biết nội dung xấu. Trước tiên nhận biết dạng văn bản: nội dung khiêu dâm, chủ nghĩa cực đoan và các chủ đề khác được nhận biết bởi hệ thống lọc nội dung một cách khá chính xác.
Thật đáng tiếc là đến nay chúng ta vẫn chưa có những công nghệ đáng tin cậy cho phép nhận biết các hình ảnh hoặc video có nội dung xấu. Đó là chưa kể đến việc không thể tự động hóa quá trình nhận biết các nội dung lậu - bởi vì trên thế giới hiện nay không có một kho lưu trữ tất cả các tác phẩm bản quyền để thông qua đó có thể tìm kiếm các tác phẩm mẫu.
Dưới đây tôi thảo luận riêng về các giải pháp kỹ thuật cho việc lọc nội dung.
Kiểm duyệt sau 
Như đã nói ở trên, việc thực hiện kiểm duyệt trước nội dung trên thực tế là cực kỳ khó khăn, ngay cả với việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật. Điều này dẫn tới việc  phổ biến hai hình thức kiểm duyệt sau sau đây:
a) chủ động, ví dụ, tìm kiếm nội dung khiêu dâm bằng những dấu hiệu nhận dạng đặc biệt, tìm kiếm các đoạn phim thuộc bản quyền của một nhà sản xuất nào đó, và
b) bị động (xóa nội dung sau khi nhận được thông báo của tác giả, các chức năng hoặc người khiếu nại).
Kiểm duyệt sau khá phổ biên và thường được áp dụng ở tất cả các content-hoster. Vấn đề nằm ở chỗ là ở nhiều nước, việc xóa bỏ nội dung lậu  không phải là cơ sở để hủy bỏ các khiếu kiện liên quan đến việc sử dụng nội dung của người khác  trong quá khứ.
Mô hình trách nhiệm cơ bản
Để đưa ra các quy định cho tất cả các đối tượng khai thác Internet, chúng ta cần lựa chọn mô hình trách nhiệm cơ bản để áp dụng cho từng quốc gia cụ thể.
Có nhiều mô hình trách nhiệm về nội dung cho những nhà khai thác internet nêu trên.
Ví dụ, mô hình cực hữu của Trung Quốc, nơi mà các ISP và các web-hoster chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung xấu trong các kênh truyền thông hoặc trên các máy chủ của mình. Điều này có nghĩa là các đối tượng này phải có nghĩa vụ thực hiện các hoạt động tìm kiếm độc lập những nội dung xấu này.
Thêm vào đó, việc “làm sạch” Internet ở mức độ truy cập và lưu trữ thông tin tất yếu dẫn đến sự cần thiết xây dựng một “Vạn lý trường thành” cực kỳ tốn kém và rất phức tạp về mặt kỹ thuật tại biên giới của Internet quốc gia và quốc tế. Điều này làm phát sinh đáng kể các chi phí về về tài chính, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia và chính trị.
Trong mô hình ở Tây Âu và Mỹ, các nhà cung cấp ở mọi cấp độ cách này hay cách khác được miễn trách nhiệm, họ chỉ chịu trách nhiệm cho việc truy cập hoặc cung cấp chỗ lưu trữ nội dung, và sẽ chấm dứt việc lưu trữ nội dung theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan quản lý.
Ở một số nước, ví dụ, tại Nga, hiện vẫn chưa áp dụng mô hình nào trong hai mô hình nêu trên, và tình trạng tạm thời khá lộn xộn. Các tòa án phân giải trách nhiệm của các ISP, web-hosters, content-hoster… tùy theo từng trường hợp cụ thể và phán quyết cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức kỹ thuật cũng như kỹ năng chuyên môn của các quan tòa.
Ở đây chúng ta cần xây dựng một mô hình trách nhiệm cơ bản và các quy định kèm theo. Quy định này cần miễn trách nhiệm cho các nhà cung cấp về kỹ thuật, các dịch vụ tìm kiếm, truy cập và lưu trữ, và áp đặt trách nhiệm pháp lý cho tác giả và những người sở hữu nội dung bất hợp pháp. Chúng ta cần có định nghĩa tình trạng pháp lý của các website, khác biệt với tình trạng pháp lý của các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống.
Nói một cách tương đối, nếu tác giả (một người sử dụng cá nhân) đưa lên nhật ký cá nhân của mình nội dung xấu, bất hợp pháp, thì tòa án phải có khả năng chính xác căn cứ theo pháp luật và các quy định khác (bao gồm cả thực tiễn thi hành pháp luật) để xác định trách nhiệm hoặc miễn trừ truy tố cho tất cả các đối tượng tham gia quá trình, bao gồm: tác giả, chủ sở hữu của dịch vụ blog, ISP… và cả những công cụ máy tìm kiếm cho phép chúng ta tìm thấy nhữung nội dung xấu đó.
Công cụ kỹ thuật kiểm soát và gây ảnh hưởng
Công cụ kỹ thuật kiểm soát nội dung có thể được áp dụng chỉ khi quốc gia đã hình thành các cơ chế kiểm soát, mô hình cơ bản về trách nhiệm đối với nội dung và các khung pháp lý khác.
Để áp dụng các chính sách đối với nội dung trực tuyến, người ta có thể sử dụng hai cách:
- Lọc nội dung, nghĩa là hạn chế người dùng truy cập đến nội dung xấu.
- Cung cấp nội dung đúng của mình, tức là tạo ảnh hưởng đến người dùng.
Lọc nội dung:
Tường lửa quốc gia (Firewall)
2.jpg
Lọc nội dung trên khắp đất nước - đây là trường hợp giới hạn của cơ chế kiểm soát. Thử hình dung trước mắt chúng ta là hệ thống tường lửa vĩ đại của Trung Quốc, cho phép toàn quyền kiểm soát truy cập Internet của công dân. Các bộ lọc của hệ thống này được lắp đặt tại tất cả các điểm trao đổi thông tin và các điểm nối giữa phân khúc Internet quốc gia với mạng toàn cầu, cho phép hạn chế truy cập theo các địa chỉ trang web cũng như theo nội dung.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì biện pháp này cực kỳ nặng nề và kém hiệu quả. Đó là vì:
"Xuyên thủng" một "Vạn lý trường thành" như vậy không phải là quá khó đối với người sử dụng có kỹ năng. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để làm được điều đó, bao gồm các phương pháp tạo đường hầm, giấu tên, v.v… Vì vậy, một người muốn được truy cập vào nội dung bị cấm và có đủ kỹ năng cuối cùng vẫn sẽ nhận được nó. Và họ sẽ dạy cho những người khác cùng làm.
Ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia. Các quốc gia sử dụng phương pháp kiểm soát này vô hình chung tạo nên hình ảnh của một nhà nước cảnh sát, và các đối thủ có thể sử dụng điều này cho các cuộc tấn công, chế giễu và áp lực chính trị.
Chi phí rất tốn kém ( ước tính chi phí đầu tư hệ thống lọc nội dung của Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD và hàng trăm triệu USD cho hỗ trợ vận hành hàng năm).
Bộ lọc web
Kiểm soát và hạn chế truy cập đến nội dung xấu có thể được thực hiện không phải ở cấp độ nhà cung cấp dịch vụ mà ở cấp độ người dùng.  Để làm điều này, người ta áp dụng các loại công cụ lọc web khác nhau:
a) Phần mềm cài đặt trên một máy tính cá nhân;
b) Các bộ lọc lắp đặt tại cửa ngõ mạng của các doanh nghiệp, phục vụ cho việc áp đặt các chính sách sử dụng Internet trong giờ làm việc;
c) Các bộ lọc proxy, hoạt động giống như một dịch vụ mạng, có thể kết nối các trường học, doanh nghiệp để lọc các giao dịch và thông tin truyền tải - thay vì sử dụng các giải pháp phần mềm client-server.
Việc lọc có thể được thực hiện theo các chính sách khác nhau. Trong các doanh nghiệp, tất nhiên, các chính sách lọc thường được áp dụng cho từng cá nhân và rất khác nhau cho mỗi loại nhân viên.
Một quốc gia, nếu mong muốn phổ cập các phương tiện lọc và áp đặt cho một số đối tượng công dân của mình những chính sách lọc tương ứng, có thể khai thác sức mạnh của các biện pháp bảo hộ, cụ thể như:
Yêu cầu cơ quan nhà nước sử dụng mạng lưới lọc dịch vụ với các chính sách được quy định sẵn;
Thương lượng với nhà sản xuất và lắp ráp máy vi tính, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay, các nhà cung cấp trình duyệt và các chương trình Internet khác, cài đặt các phiên bản khác nhau của các bộ lọc v.v…
Việc phát triển một trung tâm lọc nội dung web như một dịch vụ dành cho một loại hình tổ chức nhất định, cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân mong muốn hạn chế việc truy cập Internet, là rẻ hơn rất nhiều và không có những hạn chế như các hệ thống tường lửa quốc gia. Các bộ lọc cá nhân và doanh nghiệp có thể được phát triển bổ sung như một phiên bản độc lập của sản phẩm. Các cơ sở và thuật toán lọc có thể được chia sẻ và dùng chung.
Phương tiện ảnh hưởng
Để định hướng người dùng không truy cập tới những nội dung xấu, chúng ta không chỉ sử dụng các biện pháp theo dõi và giới hạn truy cập (nghĩa là ngăn cấm), mà còn có thể gây ảnh hưởng bằng việc cung cấp cho người sử dụng một phương án thay thế.
Để làm được điều này, nhà nước phải cung cấp cho người dùng một loạt các dự án dịch vụ Internet có chất lượng cao, có thể trở thành phổ biến nhờ chính chất lượng dịch vụ.  Bao gồm: Công cụ tìm kiếm và chỉ mục quốc gia, Hệ thống thư điện tử quốc gia, Mạng xã hội cho những người trẻ và người lớn tuổi, Các dự án nội dung (trò chơi, thể thao, xe hơi, du lịch, ...), Truyền thông đại chúng…
Với những dự án có sức cạnh tranh, thì cùng với đòn bẩy là cơ chế bảo hộ bảo hộ của chính phủ, nhà nước và doanh nghiệp sẽ tạo ra các công cụ mạnh và có thể ảnh hưởng gián tiếp  tới người sử dụng.
Các vấn đề quản lý và điều tiết Internet khác
Sở hữu trí tuệ trong Internet
Sự dễ dàng sao chép và đăng tải nội dung trong Internet gây ra rất nhiều tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là SHTT) giữa người chủ sở hữu, người sử dụng và các đối tượng khai thác Internet.
Việc đưa trực tiếp các pháp luật về SHTT vào toàn bộ Internet là không thể vì nhiều lý do, vì vậy đối với các phân đoạn Internet quốc gia cần thiết phải phát triển pháp luật của mình trong lĩnh vực SHTT.
Nó bao gồm cả viêc  xây dựng một tập hợp các loại giấy phép bản quyền (tương tự như những giấy phép phổ cập trên thế giới như Creative Commons, GPL v.v…) cho phép các tác giả dễ dàng và cẩn trọng chuyển các SHTT của mình sang tài sản công cộng, xác định các điều khoản sử dụng, thu phí sử dụng mà không cần sự thỏa thuận bằng văn bản.
Tên miền và t hương hiệu
Địa chỉ các website (tên miền) cực kỳ quan trọng, và có thể có giá trị rất lớn trong khi tình trạng pháp lý của chúng lại chưa được xác định rõ ràng.
Tuy nhiên, hiện tại các tên miền không phải là tài sản mà chỉ là dịch vụ riêng của nhà cung cấp trên thực tế là được mua và bán với những số tiền khá lớn) và các nhãn hiệu hàng hóa tương ứng của họ (là tài sản).
Chúng ta cần định nghĩa chính xác hơn về tình trạng pháp lý của tên miền, định nghĩa những tình huống điển hình của việc sở hữu tên miền và thương hiệu, cách giải quyết các loại xung đột có thể xảy ra, định nghĩa về quyền và trách nhiệm của những người đăng ký.
Dữ liệu cá nhân của công dân và công bố thông tin
Hiện nay, Internet đã tích lũy và tiếp tục phát triển một khối lượng dữ liệu khổng lồ các thông tin cá nhân của người dùng. Ví dụ, dịch vụ của các mạng xã hội tích lũy thông tin cá nhân của hàng chục triệu người, và cơ sở pháp lý để xử lý các thông tin này vẫn chưa hoàn thiện. Có rủi ro lớn của việc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội và các dịch vụ khác, có tích lũy thông tin cá nhân, sử dụng các thông tin này cho các mục đích thương mại hoặc những mục đích khác.
Cần có các định nghĩa về mặt pháp lý rõ ràng các vùng Internet, nơi mà mọi người có thể tiết lộ thông tin cá nhân, cũng như các quy tắc xử lý các thông tin đó của các nhà khai thác mạng Internet.
Chúng ta cần có luật bảo vệ chủ sở hữu các thông tin cá nhân, xác định các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu của các dịch vụ mạng xã hội (ví dụ như Facebook trên thế giới hoặc Zing.vn tại Việt Nam hoặc Odnoklassniki.ru và VKontakte ở Nga), quyền thương mại hóa các thông tin mà người ta đã tin tưởng ủy thác và cung cấp cho họ v.v…
Cần phải có những quy định yêu cầu bắt buộc công bố các thông tin có giá trị cho xã hội. Định nghĩa rõ các loại thông tin quan trọng cho nhân dân mà các website chính phủ và doanh nghiệp bắt buộc phải công bố miễn phí.
Dịch vụ đại chúng và chào hàng đại chúng
Hiện nay, tại nhiều quốc gia, luật pháp yêu cầu việc ký kết một hợp đồng bằng văn bản khi cung cấp dịch vụ hoặc mua bán cho khách hàng, kể cả khi thông qua Internet. Trong trường hợp rất nhiều khách hàng sử dụng một dịch vụ mạng từ xa thông qua Internet, quy định trên sẽ gây khó khăn và cản trở sự phát triển của các dịch vụ trên Internet. Trên thực tế, phần lớn các dịch vụ đại chúng hiện nay hoạt động mà không có hợp đồng bằng văn bản, điều này tạo ra những rủi ro về pháp lý cho chính các dịch vụ cũng như người sử dụng nó.
Điều này đòi hỏi việc hình thành những loại hình hợp đồng đặc biệt cũng như những bản chào hàng đại chúng. Các quy tắc trong luật pháp xác định rõ quyền của các bên tham gia vào những thỏa thuận không giấy tờ, thời gian có hiệu lực v.v…, các phương pháp định danh các bên tham gia thỏa thuận v.v…
Những vấn đề nêu trên chưa phải là tất cả những khó khăn và thách thức về mặt pháp lý mà chúng ta đang đối mặt với Internet, nó chỉ chỉ ra những điểm nhức nhối nhất.  Tuy nhiên, vì những vấn đề này sẽ kéo theo những đề xuất từ những đơn vị khác nhau, từ các cơ quan nhà nước cho đến các tổ chức xã hội về việc "lập lại trật tự" trong lĩnh vực này. Điều này có thể khiến việc điều tiết sẽ trở nên thái quá hoặc không chuyên nghiệp.
Kết luận
Việc hạn chế quá mức trên Internet có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của đất nước trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu, đồng thời dẫn đến những vấn đề phức tạp khác trong xã hội. Chúng ta cần một cách tiếp cận cẩn trọng và hài hòa để duy trì sự ổn định, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển.

theo itcnews


 
Return to top of page Copyright © 2010 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by HackTutors