Nickname trên mạng: Ảo và thật



Nickname, tiếng Anh có nghĩa là tên riêng, tên hiệu, tên thân mật, tên hài hước… Đây là một sở thích mà người phương Tây rất ưa chuộng, tự đặt hay do người khác đặt cho.

Hầu như bất cứ “nhóc con” nào ra đời cũng được người thân gắn với một “nick” rất ngộ, rất đáng yêu. Nhưng trong thời buổi công nghệ thông tin bây giờ, nickname đang là “đặc sản” của những người  “sành điệu”, đặc biệt là giới trẻ.
Ai đã từng vào mạng để gửi email (thư điện tử) hay chat (trò chuyện trên PC) hẳn phải thực hiện một thủ tục đầu tiên: khai báo các thông tin cá nhân và nhất thiết phải “xuất trình” một cái tên cùng mật khẩu (password). Họ và tên thì ai trên đời này chả có. Nhưng đây không phải là “cửa công” mà ta bắt buộc phải tuân theo quy định pháp lí, tức là phải nói đúng tên khai sinh của mình.

Bởi đến đó mà khai báo không chính xác, ta không thể rút được tiền (tại ngân hàng), không thể vào phòng thi đại học, không thể đăng kí kết hôn hay qua cửa hải quan xuất cảnh đi du lịch…. Tên trên mạng hoàn toàn do bạn tuỳ chọn, miễn nó là một chuỗi kí tự liên tục và không được trùng với một tên ai đó đã đặt trước (tiếp sau đó là tên  miền trên mạng, có ngăn cách bằng @).

Chà, đơn giản thế sao? Vâng quá đơn giản! Nhưng không phải vì thế mà bạn “tuỳ hứng qua cầu” được đâu. Tên gì thì tên cũng phải tiện lợi cho giao tiếp. Chứ dài dòng, khó hiểu, khó nhớ thì rất bất lợi về nhiều mặt.  Bất lợi cho mọi người và cho chính bạn. Không có gì bí mật, để đỡ phiền hà, đa số các nickname hiện nay được cấu trúc từ chính tên “đương sự”. Trần Phương Bình có thể sẽ là tranphuongbinh@..., hoặc binhtranphuong, hoặc binhphuongtran, hoặc ngắn gọn: binhtpb; Nguyễn Thị Việt Hương có thể là viethuong hoặc huongnguyen, hoặc  vh484, huong22.12, ntvh,…

Có người còn thêm “chỉ số phụ”, như thêm tên viết tắt cơ quan, đoàn thể (vtv, htv, khds, vov, citibank), hoặc ngày tháng năm sinh, hoặc một con số có ý nghĩa nào đó (ngày cưới, ngày sinh con… chẳng hạn). Qua khảo sát, ở Mỹ, có tới 41% người dùng email lấy chính tên của mình để đặt. Ở Pháp là 53%, ở Thuỵ Điển có tới 30% tên có gắn đuôi công ty, nơi làm việc (do các tổ chức này quy định). Còn ở ta thì sao nhỉ?

Ở ta, số người đặt nickname theo xu hướng này cũng khá nhiều. Họ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu công việc. Nhưng, giới trẻ lại là đối tượng đang truy cập trên mạng nhiều nhất. Họ có nhiều ưu thế: trẻ trung năng động, tiếp cận với tin học sớm và đa dạng. Song họ là lớp người cũng thích sự khoáng đạt, thích tự khẳng định mình và cũng thích vui đùa quậy phá… Nickname nghiễm nhiên trở thành một thú chơi riêng mới mẻ của họ.

Một cô gái trẻ đẹp thuộc hàng “sao”, vừa được giới thiệu trên một tờ báo loại “sành điệu” (có kèm email). Thế là chỉ vài ngày sau, mở inbox ra, tiểu thư nhà ta hết sức ngỡ ngàng thấy hộp thư của mình đầy ắp những cái tên lạ kì: thonau@, gaubong@, hainuatraitim@, hoanghontinhyeu@, nguoihaybuon@, vitamindaukho@, bon_so_chin@, meomuop@, cuncon@, hanh_mat_to@, dungrau.mobile@, tinhchokhongbieukhong@,...
Chà, cô nàng nghĩ “nát óc”, chịu không đoán ra những cái tên kia là ai, con trai hay con gái? Nàng rất khó trả lời. Bởi nàng nhớ lại, có lần nàng cứ nỉ non với một nickname “gái” trăm phần trăm là nguyenthithuyduong về đủ thứ trên đời, nhất là chuyện của phái yếu, ai ngờ sau đó gặp đích danh chủ nhân nàng mới tá hoả, té ra đó hoàn toàn  là một tay “đực rựa” 100%. Hú vía!

Nhưng đã hết đâu. Còn có cả những nickname nghe rợn tóc gáy nữa kia. Nào là ma_choi@, hannayphaitra@, handoibaogionguoi@, khunglong@, bombi@, quysatang@, hoa_an_thit_nguoi@, dech_so_ai@, doichoichobiet@, nguvoigiun@, ... Đúng là supername. Những cái tên “siêu quậy”. Lớp trẻ vốn dĩ thích trêu chọc, trêu đùa. Và mạng ảo kia chính là nơi họ tha hồ quậy tới bến.

Từ tên ảo đến người thật là cả một khoảng cách, ai bắt vạ ai mà sợ. Người ta cứ “chat chit” thâu đêm suốt sáng với một nickname lạ hoắc mà không băn khoăn nhiều về chuyện người đó là ai, miễn chat sao cho “đã” là được. Vui vẻ, dí dỏm, thích bông lơn cũng tốt thôi. Nhưng hãy coi chừng, từ sự phá cách tuỳ hứng kia rất có thể các bạn sa đà vào sự tuỳ tiện, vô lối.

Gần đây, báo chí đã nói nhiều về các “tai nạn” xảy ra do sự ngây thơ, cả tin vào những nickname ảo trên mạng: có cô gái trẻ bị bọn xấu lừa rồi mất đi sự trinh trắng, có ông già ham của lạ theo bọn lưu manh mất hết tài sản,... Đấy đâu phải là chuyện vui đùa. Mà có vui đùa  cũng phải có chừng mực, ngay cả khi lên mạng đối thoại ảo, chúng ta cũng phải biết tôn trọng người khác. Tôn trọng người khác, tức là ta biết tôn trọng chính mình.


theo laodong


 
Return to top of page Copyright © 2010 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by HackTutors